Chiều 31/10, đại biểu Trần Thị Dung chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo bà, việc này phải đảm bảo giảm áp lực cho học sinh, nhưng qua thí điểm, cử tri phản ánh không giảm mà còn tăng rất nặng.
Đối với chương trình, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, gần 50 địa phương thí điểm. Có địa phương trả lời không thí điểm vì sách chỉ dành cho những vùng học sinh khó khăn trong việc tiếp cận tiếng Việt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời về sách thí điểm và cho biết liệu có thực hiện được lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa như Nghị quyết 33 của Quốc hội?
Sáng 1/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những mục tiêu rất quan trọng khi xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là phải giảm tải cho giáo viên, học sinh. Cho đến nay, Ban soạn thảo và các chuyên gia xây dựng chương trình đều bám sát mục tiêu này.
Với tinh thần thận trọng và chu đáo, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo Ban soạn thảo ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Tới đây, Bộ cũng xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục chuẩn bị sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên cùng các với địa phương để chuẩn bị trường lớp.
“Việc đổi mới lần này liên quan đến rất nhiều hoạt động, phải thận trọng cho nên chúng tôi thấy việc chuẩn bị các khâu phải chu đáo và nằm trong thời gian của Quốc hội cho phép. Thời gian áp dụng từ năm học 2020-2021 cho lớp 1 theo lộ trình cuốn chiếu. Khi đã thực hiện rồi thì không có thí điểm”, ông Nhạ nói.
Ông cho biết có môn thí điểm là Tiếng Việt, cách đây hai năm Bộ đã cho khảo sát, vừa rồi đánh giá tổng kết và đưa ra một phương pháp trong dạy tiếng Việt lớp 1. Bây giờ không còn là phương pháp thực nghiệm nữa, nhưng mọi người vẫn thường hay nói cửa miệng là “thực nghiệm”.
“Phương pháp dạy tiếng Việt lớp 1 theo sách Công nghệ giáo dục cùng với mô hình trường học mới VNEN sẽ phải thẩm định lại theo yêu cầu đầu ra của chương trình. Nếu đáp ứng thì sẽ xây dựng bộ sách và lúc đó trở thành một sách theo quy định chứ không còn thực nghiệm nữa”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: QH |
Nhận trách nhiệm về lãng phí sách giáo khoa
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, với thực trạng sử dụng sách giáo khoa như vừa qua thì việc lãng phí là có thật.
Nguyên nhân có nhiều, song trước hết là do việc thiết kế sách giáo khoa hiện hành còn có các dạng bài tập khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong hoàn cảnh Việt Nam còn nghèo thì chưa thực sự phù hợp, gây ra lãng phí.
“Với trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi nhận trách nhiệm về việc này”, ông Nhạ nói và cho biết trước phản ánh của đại biểu và cử tri, Bộ Giáo dục đã tiếp thu, ban hành Chỉ thị 3798 chỉ đạo các Sở Giáo dục hướng dẫn cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản sách giáo khoa và hướng dẫn học sinh hạn chế viết vào sách.
“Tới đây khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế các dạng bài tập trong sách theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào. Bộ cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, quyên góp xây dựng thư viện sách để học sinh có thể sử dụng miễn phí hoặc hỗ trợ các em vùng khó khăn”, Bộ trưởng nói.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục – PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc “muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy”. Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.