Giáo dục tiểu học ở các nước và cách đánh giá học sinh
Lượt xem:
Để các thầy cô, phụ huynh có sự đối chiếu so sánh với cách đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 22 hiện nay, xin chia sẻ thông tin về giáo dục tiểu học và cách đánh giá của 6 nước trên thế giới.
Thụy Điển
Từ năm học 2011, Thụy Điển áp dụng cách chấm điểm mới trong hệ thống giáo dục phổ thông. Điểm A, B, C, D và E là các điểm đỗ và F là trượt. B và D được coi là điểm thay thế khi học sinh không đạt điểm A hay C cho tất cả các phần (cho dù đạt được đa số).
Nếu không thể cho điểm vì lý do như trốn học quá nhiều, học sinh sẽ nhận một dấu gạch ngang thay vì điểm F. Khi học sinh có nguy cơ nhận điểm F cho một môn học hay khóa học nhất định, giáo viên bộ môn sẽ phải thông báo cho học sinh và phụ huynh biết. Khi bị điểm F, các em sẽ được hướng dẫn cách làm thế nào để tự cải thiện kết quả.
Người Thụy Điển cho rằng việc giáo dục cấp Mẫu giáo và Tiểu học của Thụy Điển là tập trung vào rèn luyện các kỹ năng giao tiếp xã hội, tập cho học sinh biết cách sống hòa hợp với người khác, ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong mọi sinh hoạt tập thể hơn là học kiến thức. Họ cho rằng có ích gì khi chỉ dạy cho trẻ em biết đọc biết viết, biết nhiều thứ để rồi cuối cùng chúng hành xử để bị vào tù.
Chương trình giáo dục ở Thụy Điển được xem là tiên tiến nhất hiện nay trên toàn thế giới. Mô hình này đã được nhiều nước đến để tham khảo và học hỏi, kể cả Mỹ.
Mỹ
Ở các trường tiểu học Mỹ, học sinh được đánh giá suốt cả năm học bởi giáo viên. Báo cáo được gửi cho phụ huynh vào nhiều khoảng thời gian. Nói chung, điểm kiểm tra và điểm bài tập cá nhân (cùng với thang điểm tối đa của bài tập đó) của học sinh được ghi lại trong số điểm của lớp. Đánh giá cuối kỳ hay cuối năm được thực hiện dưới hình thức cho điểm bằng chữ từ A đến F (bỏ qua E), trong đó A là điểm tốt nhất và F là điểm trượt, hay cho điểm bằng tỷ lệ phần trăm.
Thay vì khuyến khích học sinh tư duy, tự tìm cách giải quyết như nhà giáo dục Nhật Bản, giáo viên Mỹ đang hạn chế sự sáng tạo của trẻ em khi chú trọng hướng dẫn chúng cách làm.
Canada
Chương trình giảng dạy tiểu học ở Canada đa dạng theo từng tổ chức và mục tiêu giáo dục của từng trường, từng cộng đồng địa phương. Để lên lớp, học sinh phải tham gia bài kiểm tra. Nếu kết quả không tốt, các em phải học lại một năm. Những em có tài năng có thể được phép bỏ qua một lớp.
Khi theo học trường công lập, trẻ sẽ có “hồ sơ” riêng và được áp dụng hệ thống đánh giá liên tục theo suốt quá trình học từ lớp một. Cách cho điểm của Canada khác nhau ở từng bang. Ví dụ: Saskatchewan sử dụng A+, A, B, C và Fail (điểm trượt), trong khi Ontario áp dụng A, B, C, D, R, F.
Điểm phụ thuộc vào một loạt tiêu chí, như kết quả bài kiểm tra trong suốt năm, sự tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp, hoàn thành bài tập về nhà… Học sinh nhận báo cáo học tập với điểm số mỗi môn học ít nhất hai lần mỗi năm (có một số nơi lên đến sáu lần một năm).
Tại Canada, những thông tin cá nhân của học sinh chỉ có học sinh đó và nhà trường được biết. Không có gọi điểm cả lớp sau giờ kiểm tra; không có bảng xếp thứ hàng tháng photo thành nhiều bản gửi cho phụ huynh cả lớp; không có bàn tán. Tóm lại, ở Canada, không có sự so sánh và “thi đua” giữa các học sinh.
Phần Lan
Những năm đầu đi học, việc đánh giá học sinh được giới hạn trong sự trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên thay vì điểm số. Việc bắt đầu cho điểm từ lớp mấy phụ thuộc vào từng địa phương. Thông thường, học sinh nhận báo cáo kết quả hai lần mỗi năm vào cuối kỳ học mùa thu và mùa xuân. Không có bài kiểm tra lên lớp.
Điểm được cho trong khoảng 4 đến 10. Trong các bài kiểm tra cá nhân, học sinh có thể nhận điểm 1/2 (0,5 điểm) và + hoặc – (hơn/ít 0,25 điểm). Điểm 10+ có thể được trao cho học sinh có kết quả hoàn hảo với nỗ lực vượt trội.
Nếu nhận điểm 4 cho một môn học nào đó vào cuối kỳ học xuân, các em phải tham gia bài kiểm tra riêng biệt vào cuối kỳ học hè để có thời gian cải thiện kiến thức môn học đó. Nếu nhận nhiều điểm trượt ở các môn, các em có thể phải học lại cho dù đã tham gia lớp học phụ đạo và nhận hỗ trợ đặc biệt. Trường hợp hiếm hoi một học sinh phải học lại, quyết định sẽ được đưa ra bởi các giáo viên và hiệu trưởng sau khi nói chuyện với học sinh và phụ huynh.
Người Phần Lan có câu nói: “Nếu phải chọn lựa giữa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống hay cho những kỳ thi, tôi chọn điều thứ nhất”. Đó là lý do không có kỳ thi nào trong những trường học ở Phần Lan. Giáo viên sẽ tự quyết định thời điểm tiến hành các bài kiểm tra. Chỉ có một kỳ thi duy nhất là bài thi viết để xét tiêu chuẩn tốt nghiệp trung học. Không có một lớp ôn luyện nào trước kỳ thi.
Trường học là nơi đào tạo những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp, trẻ em Phần Lan sẽ biết cách trả tiền thuế, lập trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hoặc vẽ bản đồ.
Giáo dục tiểu học ở Phần Lan hướng đến sự công bằng. Họ tạo rất ít áp lực học tập cho học sinh, không thúc đẩy để các em trở thành người giỏi nhất, mà chỉ muốn trẻ tiếp cận giáo dục theo cách riêng của từng em.
Bạn sẽ thấy trẻ em ở Phần Lan đi học muộn hơn hầu hết các nước khác và có rất nhiều hoạt động chân tay trong lớp học như vẽ, chơi nhạc, nặn đất sét. Sự hợp tác, làm việc nhóm cũng được đề cao khi học tập chứ không phải là sự cạnh tranh. Cách giáo dục này sẽ giúp trẻ em yêu thích học tập hơn, thay vì áp lực thi cử và điểm số.
Singapore
Giáo dục tiểu học ở Singapore bắt đầu cho trẻ 7 tuổi, được chia làm 2 cấp: cấp cơ bản 4 năm và cấp định hướng 2 năm. Các trường tiểu học ở Singapore thực hiện hệ thống đánh giá “Mức thành tích” và “Điểm số toàn phần”.
– Cấp cơ bản: Mức 1 từ 85% trở lên; mức 2 từ 70% đến dưới 85%; mức 3 từ 50% đến dưới 70%; Mức 4 dưới 50%.
– Cấp định hướng: Điểm số 1 từ 85% trở lên; Điểm số 2 từ 70% đến dưới 85%; Điểm số 3 từ 50% đến dưới 70%; Điểm số 4 từ 30% đến dưới 50% và điểm U dưới 30%.
Khi bước vào cấp định hướng, học sinh được phân loại theo khả năng. Các em học các môn học ở mức độ khác nhau dựa trên điểm số những môn tương ứng ở lớp 4 tiểu học.
Quốc đảo Singapore lại luôn nhấn mạnh vào việc “dạy ít thôi, học hỏi nhiều vào”. Nhờ vào định hướng giáo dục này mà chỉ có 5,5 triệu người, Singapore thường xuyên được xếp hạng đầu trong bảng so sánh các quốc gia có hệ thống giáo dục và khả năng toán học của học sinh trên toàn thế giới.
Thậm chí, một số nước phát triển còn tìm cách tiếp thu nền giáo dục của Singapore và cách tiếp cận của riêng mình nhằm giảng dạy Toán, khoa học. Điển hình là Anh, chính phủ đã đồng ý để hơn một nửa trường tiểu học ở Anh sử dụng cách giảng dạy của Singapore.
New Zealand
Ở New Zealand, cấp tiểu học nhằm tạo ra “những người học tự tin, kết nối, tích cực tham gia, ham học hỏi” với nền tảng vững chắc trong việc đọc, viết và toán học. Chương trình giảng dạy tập trung vào 8 môn: Tiếng Anh, nghệ thuật, giáo dục sức khỏe và thể chất, ngôn ngữ, toán học và thống kê, khoa học, khoa học xã hội, công nghệ. Kỹ năng đọc, viết và làm toán được đánh giá thường xuyên trên kỳ vọng được lập ra bởi Tiêu chuẩn quốc gia cho từng lứa tuổi.
Điểm đánh giá học sinh được chia theo thang điểm chữ: A, B, C là điểm đỗ và D, E, F, P là điểm trượt. Cha mẹ nhận kết quả học tập của con hai lần một năm và có cơ hội thảo luận về sự tiến bộ của trẻ trong các buổi họp thường kỳ với giáo viên.
Trẻ em ở New Zealand bắt đầu học lớp 1 lúc 5 tuổi và kết thúc tiểu học khi 12 tuổi (tương đương lớp 8 ở Việt Nam). Chính phủ tài trợ toàn bộ tiền học phí cho tiểu học để khuyến khích các bậc phụ huynh cho trẻ tiếp cận với môi trường giáo dục từ sớm, đồng thời giúp họ an tâm làm việc hơn.
New Zealand dạy học sinh tiểu học sứm tiếp cận với Internet. Từ nhỏ tuổi, các em đã trao đổi bài vở qua mạng, đăng các bài viết hay các hình vẽ để giáo viên chấm điểm. Các em còn được hướng dẫn viết blog để bày tỏ ý kiến cá nhân. Học sinh New Zealand thường giỏi về công nghệ và tự tin nói lên quan điểm của mình.
BigSchool: Với các thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn nói trên, phần nào cho chúng ta thấy những điểm tương đồng hoặc khác nhau giữa giáo dục tiểu học Việt Nam với một số nước trên thế giới. Những bệnh thành tích, ham thi cử đọ sức, muốn chạy theo điểm số vô hình dung dễ đẩy học sinh tiểu học vào những cuộc đua không phải cho chính các em mà nhiều khi đua hộ phụ huynh và thầy cô.
Hy vọng những người lớn hãy vì chính con em mình, chứ không phải vì bất cứ một mục tiêu nào khác, đóng góp tích cực vào sự phát triển đúng đắn của trẻ nhỏ.
Chúc giáo dục tiểu học Việt Nam ngày càng đi đúng hướng!