Kinh nghiệm từ Mỹ: Học sinh hư thì xử lý thế nào?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Những câu chuyện gần đây ở Việt Nam liên quan tới xử lý học sinh hư của giáo viên tỏ ra rất thiếu kinh nghiệm và thậm chí bị cộng đồng lên án. Xin chia sẻ bài viết của cô giáo Đinh Thu Hồng hiện đang dạy học ở Mỹ để chúng ta tham khảo.

Bộ quy tắc ứng xử

PBIS là viết tắt của Positive Behavioral Interventions and Support- Hỗ trợ và Can thiệp Hành vi Tích cực. Đây là ý tưởng do Văn phòng Giáo dục Đặc biệt, thuộc Bộ Giáo dục Hoa kỳ , tài trợ với mục đích tăng tính hiệu quả và bình đẳng của trường học . Mục tiêu cụ thể hơn là cung cấp phương án tiếp cận đa tầng trong việc hỗ trợ về mặt xã hội, hành vi, và cảm xúc cho học sinh .

Khi một trường quyết định thực hiện quy chuẩn PBIS hay trở thành PBIS School thì sẽ chọn cho mình bộ khung nhưng quy định và cách xử lý các tình huống vi phạm và kỷ luật . Nhìn chung những bộ khung này giống nhau và tương tự giữa các trường, chỉ khác ở tên gọi, tùy thuộc vào mascot (con vật/hình biểu tượng của trường ). Ví dụ trường cũ của mình có biểu tượng là con sư tử con (cub) thì chọn tên tắt cho bộ khung PBIS là PAWS (Positivity, Acting, Working together, Safety). Còn trường mới của mình có mascot là đại bàng trắng (bald eagle) nên chọn tên gọi tắt là SOAR (Safe, Organized, Accountable, Responsible) .

Ma trận SOARMa trận SOAR

Sau khi đã chọn tên gọi cho khung chương trình PBIS, từng trường sẽ lên bộ quy chuẩn , quy tắc ứng xử chung cho giáo viên và học sinh toàn trường. Bộ quy chuẩn này áp dụng cho mọi tình huống ở mọi hoàn cảnh và không gian khác nhau, từ trong lớp học đến trong nhà ăn, từ hành lang đến nhà vệ sinh… Nội dung từng mục của bộ quy chuẩn được sắp xếp theo hình ma trận (matrix), đối chiếu dọc và ngang. Xem hình để biết thêm chi tiết. Bộ quy tắc ứng xử này được in ra ở nhiều nơi, từ quyển Agenda của học sinh đến bản mềm gửi cho phụ huynh, từ bản in treo tưong đến để trong quyển Nội quy Học sinh (Student Handbook).Ngoài bộ quy chuẩn này còn có nhiều văn bản khác liên quan đến những hướng dẫn cụ thể cho giáo viên và nhân viên văn phòng về việc thực hiện PBIS : danh mục những vi phạm, vấn đề nào sẽ do thày cô hay văn phòng (hiệu trưởng ,hiệu phó ) xử lý , các loại form/tờ khai về sự cố/vi phạm, v.v…Trong mỗi lớp học đều có bảng hướng dẫn in khổ lớn treo tường các loại vi phạm và hình thức, trình tự xử lý cụ thể cho từng vi phạm (infraction).

Những điều thầy cô cần biết

– Thông thường trình tự xử lý như sau: thày cô đứng lớp > liên lạc với bố mẹ > thày cô / người phụ khách khối lớp > văn phòng (office referrals) > hiệu phó > hiệu trưởng . Cũng có khi tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà trật tự có thể thay đổi. Ví dụ: thày cô báo cáo với hiệu trưởng để xử lý, sau đó hiệu trưởng thông báo với bố mẹ.

– Chính vì hành vi sai phạm sẽ được thay cô đứng lớp chứng kiến và xử lý đầu tiên nên bản thân mỗi thày cô phải :
1. Tự quản lý tốt lớp (classroom management) của mình để hạn chế tối đa những hành vi vi phạm. Phải kiên quyết, nhất quán, công bằng, giàu tình thương. Khả năng quản lý lớp phụ thuộc nhiều vào tính cách, kinh nghiệm của từng người.

2. Nắm rõ cách xử lý do trường đề ra cho từng tình huống vi phạm để tránh những hậu quả đáng tiếc hay không đáng có về sau.

– Ticket system: Nếu học sinh ngoan, tuân theo nội quy, quy định, thể hiện hành vi tích cực theo quy chuẩn PBIS thì sẽ được khuyến khích bằng phần thưởng nhỏ như vé (ticket/token), có trong hình minh họa. Mỗi trường đặt tên vé khác nhau, như trường hiện nay mình dạy gọi là Eagle eye ticket, trường cũ gọi là cub cash. Dù tên gọi khác nhau nhưng các loại vé này đều nhằm khuyến khích các học sinh thực hiện những hành vi tích cực, theo quy chuẩn. Mỗi lần làm một hành vi tốt thì được 1 vé. Các bạn học sinh tích vé lại để đổi lấy những phần thưởng khác nhau. Càng nhiều vé thì càng có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động thú vị. Như trường mình tháng nào cũng có PBIS event: ví dụ tháng 8 nếu có 10 vé thì các bạn được ăn kem/ tham gia ice-cream party. Tháng 9 nếu được 15 vé thì được vẽ phấn ngoài sân trường. Tháng 10 nếu có 15 vé thì tham gia lễ hội Halloween tại trường …

Vé thưởng của lớp cô Thu HồngVé thưởng của lớp cô Thu Hồng

– Về quản lý lớp/classroom management: việc quản lý lớp hết sức quan trọng vì:
1. Nếu lớp không ngoan thì chẳng học hay dạy gì được. Viết kế hoạch bài giảng (lesson plans) hay đến đâu mà lớp mất trật tự, vô tổ chức thì kế hoạch cũng đổ bể và không có giá trị.
2. Quản lý lớp càng tốt thì mọi việc vận hành trong lớp càng được thuận lợi, nền nếp. Từ quan hệ thày trò, quan hệ giữa học trò với nhau, tới môi trường tạo điều kiện cho việc học của học sinh.- Vài lưu ý, kinh nghiệm của mình khi quản lý lớp:
1. Công bố ban đầu: Ngày đầu tiên, tuần đầu tiên tiếp xúc với học sinh hết sức quan trọng: phải ngay lập tức “set the tone”- nói nôm na là mình phải tạo ấn tượng mình là người có quyền cao nhất trong lớp học, là “chủ”, là người quản lý. Như thế không có nghĩa là phải quát lác dọa nạt để ra oai. Chỉ cần nói với các em một cách chân tình , rõ ràng về luật và nội quy của lớp, trường; giải thích về hậu quả của những hành vi sai và hệ quả của những hành vi đúng. Khi nói chuyện, cũng không nên quá thân tình đến mức học trò coi mình bằng vai phải lứa.
Nếu ngay từ ban đầu không dành thời gian nói về kỷ luật và nội quy, nền nếp, về sau sẽ còn mất thời gian nhiều hơn vì phải xử lý những hành vi nảy sinh, mất thời gian ổn định trật tự thay vì có thời gian dạy nội dung bài học.
2. Luôn luôn nhất quán (be consistent): Phải luôn làm theo nhưng gì mình đã nói với các em, chứ không phải hôm nay làm thế này, mai lại xử thế khác.
– nội quy tức là phải luôn được tuân theo, chứ không phải nhân dịp gì hay có việc gì mà phải thay đổi hay xáo trộn.
3. Luôn công bằng: Nội quy hay luật thì áp dụng cho mọi đối tượng trong lớp, không trừ một ai. Nhiều khi thày cô cũng khó công tâm, bao giờ chẳng thường “yêu” mấy bạn học giỏi, ngoan ngoãn hơn. Nhưng tuyệt đối phải cố công bằng, vì về lâu dài, khi nội quy được thực hiện công bằng, mọi thứ sẽ thuận lợi cho thày cô, cho cả lớp nhiều.
4. Không được mất bình tĩnh: không nên hò hét, quát tháo, thậm chí không được lên giọng (raise your voice). Vì khi mình phải len giọng, tức là mình tỏ ra mình mất bình tĩnh, không làm chủ được tình thế. Nhiều khi các em nói chuyện nhiều quá trong lúc giảng bài, mình hoàn toàn có thể ngừng giảng để trò chuyện hay nhắc nhở như:
– không xong được bài, buổi sau lại học lại
– không hiểu bài, thì không thi được, không thi dược thì không lên lớp được, về sau sẽ không xin được việc, thành người vô gia cư. Mình dùng “bài” này suốt, kể cả học sinh lớp 2 cũng ngộ ra.
Nhiều khi chỉ cần một ánh mắt nhìn về hướng em học sinh đang nói chuyện thôi cũng làm cho bạn ý dừng lại.
5. Nghiêm khắc trên đầu và yêu thương trong tim: thưởng phạt phân minh. Hư thì phạt mà ngoan thì thưởng. Nếu các em không hề vi phạm nội quy, luôn ngoan ngoãn học hành thì rất nên khen ngợi. Ai cũng thích được khen. Nếu cả lớp ngoan thì thày cô có thể thưởng: thêm 5 phút ra chơi, ăn trưa ngoài sân hay vườn trường thay vì ăn trong nhà ăn, có thứ 6 vui vẻ (Fun Friday) như cùng xem phim hay ăn quà chẳng hạn.

Cô Thu Hồng giao lưu với học sinh VinSchool Hà NộiCô Thu Hồng giao lưu với học sinh VinSchool Hà Nội

Trong lớp Thu Hồng, mình không cần dùng những app về quản lý lớp như Class Dojo, mặc dù khá nhiều thày cô bên này áp dụng. Mình chỉ cần dùng những biện pháp như trong hình minh họa: dùng ticket system và đổi màu từ xanh sang vàng rồi đỏ (xanh- ngoan, vàng- cảnh báo, có biểu hiện vi phạm, đỏ- báo động). Ngày nào các em cũng tự ghi lại màu của mình trong ngày trong Agenda book cho bố mẹ biết. Trong ngày, nếu ai đã bị đỏ hay vàng đều có cơ hội move up/quay trở lại màu xanh bằng cách chú ý lắng nghe, không nói chuyện… Ai cũng xứng đáng được có cơ hội lần nữa đúng không ?!

Các em tự ghi và dán lên đây.Các em tự ghi và dán lên đây.

Đối với mình quan trọng nhất là lòng yêu thương. Kể cả những bạn học sinh hư nhất, cứng đầu nhát cũng sẽ mềm lòng trước những lời hỏi han của người khác. Hãy dành thời gian nói chuyện với các em, dù chỉ vài câu. Nhiều khi hôm đó các em hư hay bướng hay nói chuyện vì không được ăn sáng, hoặc bị thiếu ngủ, hoặc bị ai bắt nạt ở nhà…- Class rules (những luật riêng áp dụng cho từng lớp).

Tuỳ từng cô giáo mà class rules nhiều hay ít, mua poster in sẵn hay tự viết tay, tự chuẩn bị sẵn trước hay đợi bàn luận cùng các em rồi mới viết ra, co kèm theo hình minh họa hay chỉ co chữ viết . Tuy nhiên, có hai điểm chung cho tất cả các class rules là :
1. Luôn dùng ngôn ngữ khuyến khích, tích cực, không dùng những từ ngữ như “Cấm” hay “Không được”. Ví dụ, thay vì nói “Cấm chạy” (Do not run) thì sẽ nói “Walk”, thay vì nói “Không sờ vào người hay vật khác” (Do not touch your friends or things not belong to you) thì sẽ là “Keep hands and feet to yourself “…
2. Các rules nhìn chung đều khuyến khích tinh thần tự chủ, độc lập, và có trách nhiệm.

Class rules của lớp cô Thu Hồng Class rules của lớp cô Thu Hồng

Riêng với lớp Thu Hồng thì bao giờ mình cũng đợi gặp các em rồi mới cung nhau bàn, thảo luận về các quy định cua lớp , giải thích với các em, để các em thực sự hiểu và thấy mình góp phần tạo ra luật, rồi từ đó làm theo luật. Các bạn có thể tham khảo thêm 2 Class rules mà mình sưu tầm được:

2 Class rules mà mình sưu tầm2 Class rules mà mình sưu tầm

Trong phần 2 mình sẽ nói rõ về các trình tự xử lý kỷ luật khi hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến trật tự và an toàn của người khác cũng như của toàn trường.