Đôi điều về Dự thảo Thông tư “Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đã nhiều lần điều chỉnh qua các thông tư 30, thông tư 22. Vừa qua Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi về vấn đề này để xin ý kiến góp ý đến ngày 9/6/2020.

Xin chia sẻ ý kiến của cô giáo Phạm Thị Thương Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị mới gửi về và mong các bạn cùng trao đổi.

Tác giả bài viết với ngôi trường thân yêuTác giả bài viết với ngôi trường thân yêu
Bản dự thảo thông tư (TT) đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học theo chương trình phổ thông 2018 về tinh thần cơ bản đã kế thừa những điểm tích cực của TT 30/2014, TT 22/2016. Đặc biệt về xác định mục đích và nguyên tắc đánh giá, xếp loại. Coi trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Những điểm mới của Dự thảo

Dự thảo lần này cũng có những điểm mới so với TT 30/2014 và TT 22/2016 như sau:

– Dự thảo đã giải thích một số thuật ngữ: đánh giá học sinh tiểu học, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục. Nhấn mạnh đánh giá quá trình; làm rõ hoạt động đánh giá bao gồm các hoạt động diễn ra trong quá trình dạy học: quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh.

– Dự thảo đã cụ thể hóa về cách thức đánh giá và phương pháp đánh giá.

– Câu hỏi và bài tập trong đề kiểm tra định kỳ thay vì thể hiện bằng 4 mức độ như hiện nay, dự thảo đề ra 3 mức trở lại như thông tư 30/2014.

– Quy định về xếp loại chất lượng giáo dục học sinh theo 3 mức: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành, Chưa hoàn thành (theo quy định hiện hành thì chỉ xếp loại từng môn học/ hoạt động giáo dục, phẩm chất, năng lực riêng biệt, không xếp loại chất lượng giáo dục chung)

– Về hình thức khen thưởng có thêm hình thức “Thư khen”. Như vậy có thể đa dạng thêm hình thức khen thưởng, kịp thời động viện học sinh.

– Đặc biệt, điểm mới cơ bản là dự thảo thông tư mới đã điều chỉnh hệ thống tên các môn học/hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo chương trình phổ thông 2018.

Những điểm còn băn khoăn

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới, những điểm tích cực trên, dự thảo thông tư mới vẫn còn giữ một số điểm của TT 22/2016 mà trong quá trình thực hiện, một số trường hợp khiến giáo viên còn lúng túng; đồng thời có một số điểm mới chúng tôi còn thấy băn khoăn. Đó là:

* Tại điểm 1c, Điều 7 có ghi: “Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.” Tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ kết quả bài kiểm tra như thế nào thì được gọi là bất thường so với đánh giá thường xuyên. Ví dụ : 1 học sinh được đánh giá thường xuyên là hoàn thành tốt, và bài kiểm tra định kỳ được 8 điểm như vậy có được xem là bất thường không? So với từng mức đánh giá xếp loại, bài kiểm tra định kỳ bao nhiêu điểm thì được xem là bất thường? Thực tế, đánh giá định kỳ căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên còn mang nặng tính chất định tính, bên cạnh đó bài kiểm tra định kỳ không thể kiểm tra được hết tất cả các mạch kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, cần có thêm phụ lục liệt kê tất cả các yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục, các phẩm chất, năng lực của từng lớp để giáo viên dễ dàng theo đó theo dõi trong quá trình đánh giá thường xuyên. Đồng thời cần quy định cụ thể học sinh đạt bao nhiêu phần trăm trong các yêu cầu đó thì xếp loại Hoàn thành tốt, Hoàn thành,…
Một hoạt động ngoài giờ của học sinhMột hoạt động ngoài giờ của học sinh
* Tại điểm 2a) Điều 9 đã ghi rõ: “Xếp loại chất lượng giáo dục học sinh theo ba mức:

– Xếp loại Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

– Xếp loại Hoàn thành: Những học sinh chưa được xếp loại Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.

– Xếp loại Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên”.

Bởi vậy, theo tôi ở điểm 1a) Điều 11 Xét hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học, không cần phải ghi lại:

“a) Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau:

– Đánh giá định kì về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục đạt mức: Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành;

– Đánh giá định kì về từng phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cuối năm học đạt mức: Tốt hoặc Đạt;

– Bài kiểm tra định kì cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên;”

mà chỉ cần ghi:

  1. a) Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học là những học sinh được xếp loại chất lượng giáo dục ở mức Hoàn thành và Hoàn thành xuất sắc.

* Về một trong những điểm mới của dự thảo thông tư là xếp loại chất lượng giáo dục của học sinh. Điều đó có nên không? Theo  tôi, như vậy sẽ phi khoa học giáo dục (không thể phân loại học sinh dựa trên năng lực tất cả các lĩnh vực) và sẽ đi ngược với tinh thần nhân văn của thông tư là không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Vì vậy, nên chăng chỉ xếp loại học sinh theo từng môn học/hoạt động giáo dục và phẩm chất, năng lực riêng biệt, không nên xếp loại chất lượng giáo dục chung của từng học sinh.

Trên đây là một số suy nghĩ của tôi về dự thảo thông tư đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học trong giai đoạn mới, mong được nghe ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp.

Phạm Thị Thương Huyền

Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Thông tin thêm về Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị:

Ngày 19/02/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định số 457/QĐ-UBND công nhận Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đã ra quyết định số 158/QĐ-SGDĐT ngày 11/02/2020 chứng nhận Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.

Hội đồng giáo viên nhà trường

Hội đồng giáo viên nhà trường

Nguồn: st